Sầu đâu là loại cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hằng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Sầu đâu trở nên một loại thức ăn thân thuộc của người An Giang từ bao đời nay. Dì Nguyễn Thị Hằng (54 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tường 1, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, một người gắn bó lâu năm với nghề mua bán sầu đâu) cho biết: “Với chúng tôi, sầu đâu là “của trời cho”, bởi nó nuôi sống biết bao thế hệ người dân rồi. Tôi còn nhớ, trước đây nhà nào có cây sầu đâu, họ chế biến thành món ăn để qua bữa. Khi lá ra nhiều, họ hái bán, kiếm thêm chút tiền mua thịt, cá, chứ chưa nghĩ đến việc kinh dinh. Còn tôi, không có điều kiện học hành, mười mấy tuổi tôi bắt đầu đem sầu đâu ra chợ bán, giúp đỡ gia đình. Mới bày hàng ra một lát, cả chục người xúm lại tranh giành nhau mà mua! Những hôm bán hết sớm, hoặc không ra chợ, y như rằng hôm sau sẽ có người đến vừa mua vừa trách: “Sao bữa qua tui ra kiếm cô quá trời mà hổng thấy?”. Lúc đó, tôi nghĩ thầm trong bụng: “Trời ơi, lá gì mà đắng muốn chết, sao lại thích ăn?”. Khi lớn lên một tẹo, tôi mới hiểu được nguyên nhân. Ngoài làm món ăn, người ta còn xem đó là bài thuốc quý trị bệnh tiểu đường, đau nhức khớp, cao áp huyết, kể cả bệnh da liễu. Cũng nên, chưa bao giờ sầu đâu đem ra chợ bán lại ế cả”. Không chỉ riêng gì gia đình dì Hằng, các hộ dân khác ở ấp Vĩnh Tường cũng dần nhận ra giá trị của cây sầu đâu. Họ bắt đầu chuyển sang hình thức kinh dinh với quy mô lớn, bài bản hơn. Họ tận dụng diện tích trồng sầu đâu ngay trong vườn nhà. Vài năm sau, sầu đâu đã có thể giúp họ “hái ra tiền” (theo cả nghĩa đen lẫn bóng). Những hộ nào không có đất, không trồng được sầu đâu thì sẽ chuyển sang “mua” cây theo mùa. Mỗi cây được tính từ 100 ngàn đến 1 triệu đồng, tùy theo độ lớn. Họ sẽ thu hoạch được 3-4 kỳ lá trong vòng 3 tháng cao điểm, mỗi kỳ cách nhau 22 ngày. Xong mùa, họ trả cây lại cho chủ để cây được đấu chăm chút, đợi mùa sau. Sầu đâu bỏ mối cho bạn hàng với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg. Đi khắp nơi, qua nhiều khâu trung gian, sầu đâu đến tay người tiêu dùng với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Vào lúc cao điểm hút hàng, lá sầu đâu có giá 80.000 đồng/kg; lá sầu đâu có kèm bông giá 150.000 đồng/kg! “Bán sầu đâu khỏe lắm, chỉ bỏ công chứ không mất nhiều vốn. Do có thị trường tiêu thụ rộng rãi nên loại thức ăn này không sợ bị “dội hàng”, cũng không sợ hư hao. Người trồng cũng không mất công, chi phí bón phân, xịt thuốc” – một hộ kinh dinh sầu đâu khác trong ấp san sớt thêm. Thật ra, sầu đâu chỉ có thể chế biến thành 1 món duy nhất: Gỏi sầu đâu. Ấy vậy mà món ăn ấy có sức hấp dẫn mãnh liệt, trở thành hương vị độc đáo của người dân An Giang. Bí quyết làm món ăn cũng không quá phức tạp, nhưng phải “đúng bài”. Lá sầu đâu trụng với nước sôi (hay ngon nhất là trụng với nước cơm sôi, được nấu bằng củi) cho bớt vị đắng. Thịt ba rọi luộc, xắt mỏng. Tôm sú luộc, bỏ vỏ. Khô sặc rằn nướng xé nhỏ. Dưa leo và xoài xanh bằm sợi. Trộn đều cả thảy với nước mắm ớt pha chua, ngọt cho vừa khẩu vị. Rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào dĩa gỏi cho có màu sắc quyến rũ. Điểm nhấn của món ăn là chén nước mắm me được làm kẹo kẹo, ngọt ngọt, chua chua. Gắp một miếng gỏi lá sầu đâu chấm vào nước mắm me, nhai chầm chậm. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, len xuống tận cổ… Ai đó thích vị đắng sầu đâu đến nỗi, họ không cần trụng qua nước sôi, mà chỉ ướp nước đá cho sầu đâu giòn miệng. Cánh đàn ông một mực đưa thêm “chất cay” nữa, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”, mà mỗi miếng ăn nghe ngọt vị thăng bình của quê hương. Ai đó bảo, Nam Bộ có nhiều món gỏi lắm, món nào cũng đủ vị: Mặn, ngọt, chua, cay, nên người ăn dễ thích mà cũng dễ quên. Nhưng họ sẽ không dễ thích và khi thích rồi thì không thể nào quên món gỏi có hòa lẫn vị cay đắng này. Trên bước đường bôn tẩu xa quê, dẫu có thưởng thức sơn hào hải vị thì gỏi sầu đâu vẫn là món ăn khiến họ nhớ quay quắt. “Trước đây, đến mùng 5 Tết, nhiều gia đình còn kiêng cử ăn sầu đâu, vì họ sợ điều không may. Nhưng giờ, mùng 2 Tết chúng tôi đã trèo lên cây hái lá mà không đủ bán. Người An Giang xa quê tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết tìm về ăn món gỏi sầu đâu, ăn đến đâu thấy thương quê muốn khóc đến đó. Rồi họ còn mua thêm để khi hết Tết, họ mang đi để dành ăn tiếp, hoặc làm “quà độc” biếu nhau. Ngay cả chúng tôi, dù thẳng thớm ăn món này, nhưng vẫn không bao giờ thấy ngán. Nếu có ngán, thì chỉ là ngán… tiền, bởi thịt, cá, tôm, đồ bổi dạo này khá đắt đỏ. Hiện tại, chúng tôi chỉ ước mong một điều duy nhất: Cây sầu đâu cứ mãi xanh tươi, để trở thành kế sinh nhai của người dân trong vùng, và cũng để lưu truyền một món ăn đặc sắc của người An Giang” – Dì Hằng mỉm cười, đưa mắt nhìn cây sầu đâu đang vươn mình đón gió. |