Một hồi, người ta bỗng xôn xao vì thông tin nhà cửa quá đỗi đơn sơ ở quê nhà của ba má một ông bầu được (và thích được) mệnh danh trùm chân dài. Xôn xang vì lẽ, ông trùm này vốn nổi tiếng xa hoa, với ối các chân dài vây quanh. Rồi như để đối sánh, báo chí lại đưa tin cận cảnh ngôi nhà tiền tỷ của ông trùm. Tiếp đến, nhà cửa ở thôn quê của một số chân dài cũng nhân dịp này mà được quan tâm 'nhiệt tình'. Có vẻ như, sau mốt soi dinh cơ siêu sang, báo chí đang đổ sang soi nhà ở quê của các sao. Hẳn nhiên, người ta vẫn nói giới showbiz, lái buôn không ít người phải đầu tư cho cái vỏ hào nhoáng. Còn cái ruột, dẫu cho có "áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê" thì cũng "chỉ riêng mình ta" biết rõ mà thôi. Hẳn ai cũng sẽ mường tượng, một người làm ông trùm, ít ra cả nhà cũng được nhờ, nếu chiếu cái lẽ "Một người làm quan, cả họ được nhờ". Lý lẽ này không phải thiếu cứ. Chẳng phải báo chí thỉnh thoảng vẫn đưa tin dự án làm đường nếu có đi qua nhà các quan từ quận, huyện, đến tỉnh... Đều phải "uốn mình" để tránh và để nhà quan ra mặt đường đó sao. Rồi còn cả những đồn đại, rằng chỗ nọ chỗ kia nhờ có người làm quan mà đường xá về làng bỗng cũng thành hoành tráng, phẳng lì (chứ không phải chưa đi đã sụt lún như một số công trình tiền tỷ). Đấy là tin đồn, hoặc chí ít nhóng chỉ là tin đồn. Bởi với người lãnh đạo, thì tầm nhìn quê hương có nhẽ cần phải vượt khỏi lũy tre làng mình, để rộng ra là mọi vùng quê trên khắp đất nước, làm sao đâu đâu cũng được đường thông hè thoáng, giàu có, yên vui. Nhưng vừa rồi đã có những chuyện nhãn tiền giấy trắng mực đen chứ không chỉ là lời đồn. Đó là chuyện có một bến xe nọ vì đứng trước nguy cơ bị điều chuyển tuyến nên ông chủ toạ hiệp hội trong công văn ký gửi cấp dưới có chua thêm câu lưu ý rằng "cân nhắc một cách thận trọng". Vì một số tuyến là quê của... Lãnh đạo cấp cao. Rõ là, đến cái "chùm khế ngọt" của một số lãnh đạo cũng được xem là... Vùng cấm. Chẳng khác nào câu chuyện vui gặp cảnh sát liên lạc, phải xưng... Cháu chú Nhanh dạo nào.
Nhưng quê hương với nhiều người giờ đây, có nhẽ không lắm chuyện vui đến vậy. Quê hương không còn đích thực là chùm khế ngọt, khi mà đến mía ở một số vùng thậm chí mang vị "đắng", vì người nông dân phải chặt bỏ do mất giá. Nhiều người sinh ra từ làng, nhưng cũng đang dần ra đi từ làng. Bởi quê hương, ruộng đồng vẫn bình yên, nhưng không còn đủ làm cái nôi nuôi sống họ. Có những làng quê, nếu không về vào dịp tết, sẽ chỉ gặp người già, trẻ nhỏ. Bởi lứa thanh niên và cả đứng tuổi đều đã đi tứ phương tìm việc nuôi thân và trợ giúp gia đình. Chẳng may có người nhắm mắt xuôi tay, để kiếm đủ người khiêng cỗ ván, thổi kèn trống cũng chẳng dễ. Nhiều căn nhà xây lên rồi lại bít gạch để đó, cả năm dãi dầu nắng mưa, chờ vài ngày Tết chủ nhân về ở cho có chút hơi người. Vườn tược hoang tàn, cỏ mọc lút đầu, không người cắt dọn. Về quê hỏi chuyện, người quê kể chút ít bông đùa, rằng mới ngày hôm qua thôi, tiếp liền bốn ông chủ nợ. Một ông bán giống, một ông bán thuốc sâu, một ông bán phân bón, một ông xay xát. Vậy mà làm ra hạt lúa mất hơn 1 đồng, bán chỉ tròm trèm 1 đồng. Không đi khỏi quê thì biết sống bằng gì? Những đứa con từ quê tỏa đi khắp nơi học hành, làm ăn, lập nghiệp. Có người thành đạt, lên chức này chức kia, hoặc ăn nên làm ra khiến quê hương cũng được "thơm lây". Nhưng đa số, có lẽ vẫn là những người đang vẫn phải sấp ngửa, vật lộn kiếm kế sinh nhai ở xứ người. Đó là những công nhân trong nhiều khu trọ tồi tàn với bữa mì tôm không hoặc cơm suất 10.000 đồng giữa thời vật giá lên vùn vụt. Đó là những người bán rong, quẩy gánh hàng rau, quả, ngô luộc... Trên đôi vai nặng trĩu, đi khắp phố, ngõ. Có những vùng quê nức tiếng đất học, nhiều người thành đạt ở như miền Trung chả hạn. Nhưng cũng nhiều người đi ra từ những vùng quê ấy, rất khó xin việc ở doanh nghiệp bởi những quy ước phân biệt ngầm. Danh tiếng cũng nhờ quê, mà chướng ngại cũng vì cỗi nguồn quê hương là vậy. Nhưng quê hương vẫn luôn là chốn trở về, dẫu có mang "vị" gì, và người ra đi từ quê có thành quan chức, thương buôn hay thành ông trùm, chân ngắn, chân dài, hay chỉ là tấm thân xiêu dạt... Dẫu trong cuộc sống ngày một trở nên vô định, những chuyến trở về có nhẽ sẽ ngày càng ngắn ngủi, trợ thời... Cho nên, dù đi đến đâu, những đứa con ra đi từ quê vẫn phải giữ được hồn cốt, để xứng với mỗi chuyến trở về. Để đêm đêm mộng mị... Quê, quê hương lại trở về yên bình, tràn trề thương trong lòng người đi xa. |