Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Chạy đua mới cập nhật danh hiệu công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới


Các dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh như Zaha Hadid, Tadao Ando hay Robert AM Stern sẽ cạnh tranh với với những dự án nhỏ hơn tại 29 hạng mục giải thưởng cá nhân. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa từ Việt Nam với công trình thiết kế không gian quán cà phê tại thành phố cao nguyên Kontum cũng lọt vào danh sách chung khảo danh giá này.


Trung tâm Heydar Aliyev vừa được xây ở Azerbaijan của công ty kiến trúc Zaha Hadid Architects

Làn gió mới

WAF là sự kiện kiến trúc toàn cầu lớn nhất bao gồm một loạt hoạt động như hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn văn, triển lãm. Giải thưởng kiến trúc WAF (WAF Awards) là trọng tâm của festival với ban giám khảo là các kiến trúc sư, nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Năm thứ hai liên tiếp Singrapore trở thành nước chủ nhà, 4 lần tổ chức trước đều đã diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha). Trong 6 năm qua, kể từ khi được thành lập và trở thành giải thưởng kiến trúc có giá trị toàn cầu, mỗi năm WAF đều tăng chóng mặt về số lượng dự án tham gia dự thi. Riêng năm 2013 này ngoài số lượng tăng đáng kể thì những làn gió mới đang thổi tới và tạo hy vọng sẽ làm thay đổi đáng kể màu sắc giải thưởng.

Giải thưởng này có 29 mục dự thi nằm trong 3 hạng mục chính: Hạng mục các dự án đã xây dựng, Hạng mục Dự án cảnh quan và Hạng mục Dự án tương lai. Tờ Bussiness Insider đánh giá giải năm nay tạo ra rất nhiều hào hứng với các tác phẩm dự thi từ Đan Mạch, Việt Nam (6 tác phẩm), Trung Quốc hay Azerbaijan. “Họ có mặt tại tất cả các hạng mục, từ hạng mục văn hóa, dân dụng cho đến các dự án tương lai. Những tác phẩm ấy sẽ là thách thức ghê gớm trong tương lai”.


Công trình Kontum Indochina Café của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

Những thách  bao gia tran thach cao ha noi  thức ghê gớm trong tương lai

Nổi bật trong nhóm dự thi ở hạng mục dành cho những công trình đã được xây dựng là Trung tâm Heydar Aliyev vừa khánh thành ở Azerbaijan của công ty kiến trúc Zaha Hadid Architects. Công trình được đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật mang đầy màu sắc Trung Á, tựa như những dòng cát chảy mịn màng. Với giới kiến trúc thế giới, Trung tâm Heydar Aliyev là một công trình kiến trúc đầy sáng tạo, làm thay đổi bộ mặt của thủ đô Baku. Trung tâm được xây dựng để làm trung tâm văn hóa và người phác họa ra nó là kiến trúc sư người Anh gốc Iraq, Zaha Mohammad Hadid. Bà thiết kế trung tâm rộng 57.000 m2 này với những đường gấp mềm mại như những đụn cát sa mạc. Trong mỗi nếp gấp cuốn sẽ có một lối vào và mỗi lối đó sẽ tượng trưng cho chức năng của một trung tâm hoạt động bên trong gồm thư viện, bảo tàng và trung tâm hội nghị. Không gian văn hóa được liên kết với nhau liền mạch nhưng vẫn giữ được sự riêng tư, độc lập. Công trình được xây trong 6 năm và hiện là ứng cử viên sáng giá cho giải quan trọng nhất, Tòa nhà của năm.

Tuy vậy trung tâm này cũng phải dè chừng một công trình đến từ Bắc Âu. Đó là tác phẩm khu thương mại Emporia tọa lạc tại Hyllie, Malmo (Thụy Điển). Tác phẩm này gây sửng sốt cho người chiêm ngưỡng từ cái nhìn đầu tiên : Thoạt trông, nó giống như một công trình vừa bị … trúng bom, nhưng thực tế đó là sự nối kết những tinh hoa của kiến trúc hiện đại, kết hợp giữa những đường ngang dọc thẳng đứng với những đường tròn mềm mại và hài hòa. Công ty Arkitektkontor AB thiết kế khu thương mại 93.000 m2 này với tham vọng biến đây thành trung tâm mua sắm lớn nhất vùng Scandinavi với 200 cửa hàng bán từ ốc vít đến siêu du thuyền. Có 3 bộ phận cấu thành linh hồn của Emporia : Khu văn phòng, Khu dân cư và Khu bán lẻ. Tất cả nằm hài hòa trong 5 ô vuông xen kẽ được chia thành 2 khu với mảng lõm tròn nằm giữa. Công viên và bãi đỗ xe nằm liền kề nhau và trên mỗi tầng đều có một công viên xanh. Đánh giá của giới kiến trúc xem đây sẽ là một mô hình hiện đại hàng đầu thế giới, tích hợp hài hòa với cơ cấu hoạt động vốn đã rất đa dạng của thành phố Malmo.

Tác phẩm gây sửng sốt từ cái nhìn đầu tiên


Trái ngược với hai trung tâm đồ sộ trên, bảo tàng hải dương Kaap Skil ở Hà Lan do Mecanoo thiết kế, thoạt trông có vẻ đơn sơ hơn nhiều. Bào tàng rộng 1.200 m2 này có mặt tiền được ốp gỗ, phía trước là một hồ nước và bên trong là không gian tích hợp bảo tàng, café, văn phòng và thư viện với kính cường lực bao quanh để hứng ánh sáng tự nhiên. Sự thu hút khiến Kaap Skil dành được thiện cảm và nhận giải thưởng kiến trúc ở nhiều nơi chính là nhờ ánh sáng. Cách lấy sáng dựa vào kính, vào những khe hở nhỏ của các lớp gỗ đã tạo nên những khe sáng tuyệt đẹp, gợi cảm giác của những con nắng chiếu qua màn nước đại dương, vừa bí hiểm mà lại hết sức mời gọi. Bên cạnh đó, Kaap Skil có 4 mái đầu hồi không tương xứng nhau mà nhà thiết kế cố tình xây nên để tạo ra một nhịp điệu mang hơi thở đại dương.



Cách lấy ánh sáng cho tòa nhà là ưu thế của Bảo tàng Hải dương Kaap Skil Hà Lan


Ngưỡng mộ châu Á

Ông Paul Finch, giám đốc của WAF cho rằng “Nhiều người vẫn nghĩ rằng WAF là nơi để thị trường bất động sản tăng giá. Không hề. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sự kiện kiến trúc toàn cầu mà trong đó kiến trúc là trái tim và linh hồn chứ không phải là sự kiện bất động sản quốc tế với sự tham dự là các kiến trúc sự từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự”. Có lẽ vì thế mà trong danh sách tự chọn của mình, tờ Bussiness Insider đánh giá khá cao các tác phẩm đến từ châu Á. Trong đó, họ đề cử công trình Kontum Indochina Café của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa ở hạng mục Khách sạn/Giải trí. Công trình này là một phần của tổ hợp khách sạn dọc theo sông Dakbla, của ngõ vào tỉnh Kon Tum. Công trình Kontum Indochine Café gồm hai cụm: một tòa nhà chính có kết cấu tre với mái lớn phẳng được thiết kế theo hình chữ nhật, bao quanh một hồ nước nhân tạo và cụm hai là một nhà bếp phụ trợ làm bằng khung bê tông, xếp đá. Điểm nổi bật của công trình này được đánh giá cao là nó tạo nên sự thông thoáng tự nhiên, bốn mặt đều thoáng, gió và nước kết hợp với tre tạo nên không khí mát mẻ tự nhiên và cũng đón được nhiều ánh sáng tự nhiên.

Việt Nam có 6 công trình kiến trúc tham gia WAF năm nay. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa có 3 công trình, còn lại là của công ty a21 studio (The Nest, trong mục House của hạng mục Dự án đã xây dựng), Arquitectonica (The One, hạng mục Dự án tương lai) và T-Studio (hạng mục Dự án tương lai).

Hoa Thiên (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần